Hội thảo đầu vườn và tư vấn vay vốn trồng, chăm sóc cây mắc ca tại Quảng Ngãi
Chiều 28/5, tại huyện Sơn Tây, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tổ chức Hội thảo đầu vườn và tư vấn vay vốn trồng, chăm sóc cây mắc ca.
Tại huyện Sơn Tây, từ năm 2014, UBND huyện đã triển khai trồng thử nghiệm 6ha mắc ca tại xã Sơn Long, Sơn Liên và Sơn Bua. Sau 42 tháng, hiện cây mắc ca đã ra cho trái.
Sau khi tham quan vườn mắc ca tại xã Sơn Bua, người dân đã được cán bộ Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tư vấn về thị trường tiêu thụ, hướng dẫn cách chọn giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc mắc ca; cách thu hoạch và bảo quản mắc ca…
Cây mắc ca (Macadamia) là loại cây thân gỗ, có xuất xứ từ nước Úc. Tại Việt Nam, cây mắc ca được đưa về trồng khảo nghiệm từ những năm 2000. Mắc ca trồng một lần cho thu hoạch từ 50 đến 60 năm, bắt đầu sau 4 năm trồng thì cây cho thu hoạch.
Cây mắc ca từ 7 năm tuổi trở lên cho thu hoạch từ 10-20kg/cây, mỗi kg có giá từ 100-120 ngàn đồng/kg. Mắc ca được đánh giá là cây có trị trị kinh tế cao, theo tính toán với sản lượng trung bình 4 tấn/ha, mỗi năm trừ chi phí thì mỗi ha có thể thu lãi 100 triệu đồng.
Hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng cao, có thể ăn tươi hoặc chế biến thành nhiều sản phẩm như bánh kẹo, dầu ăn, mỹ phẩm. Hiện nay, nhu cầu sử dụng hạt mắc ca trên thế giới rất lớn và giá thành của loại sản phẩm này khá đắt. Theo tính toán của các nhà khoa học, trồng mắc ca có thể đem lại lợi nhuận cao gấp 2 lần so với trồng chè, gấp 3 lần so với cây cà phê.
Tại Hội thảo, nông dân đã được Ngân hàng Bưu điện Liên Việt công bố và tư vấn sản phẩm đầu tư phát triển cây mắc ca với mức cho vay tối đa 80% tổng chi phí, thời gian 6-15 năm và được bảo hiểm hiệu quả trồng mắc ca. Đối với vấn đề tiêu thụ, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân.
Theo ông Đinh Kà Để, Bí thư huyện Sơn Tây, trồng cây mắc ca là trồng cây để xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Cây dễ trồng, dễ thu hoạch, có bao tiêu đầu ra…
Hải Yến
Nguồn:http://www.quangngai.gov.vn/Pages/qnp-hoithaodauvuonvatu-qnpnd-45162-qnpnc-90-qnpsite-1.html