Mắc ca Việt Nam đã xuất khẩu đến 21 quốc gia/vùng lãnh thổ

Mắc ca Việt Nam đã xuất khẩu đến 21 quốc gia/vùng lãnh thổ

(CLO) Theo Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2016 – 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu mắc ca của Việt Nam đạt 136,8 triệu USD với khối lượng đạt gần 5.400 tấn nhân và 25.500 tấn mắc ca nguyên vỏ.

Những con số nổi bật

Được biết, giai đoạn 2016 – 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu mắc ca của Việt Nam đạt 59,6 triệu USD với khối lượng trên 3.000 tấn nhân và 390 tấn mắc ca nguyên vỏ. Mắc ca của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 21 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó có Thái Lan, Đức, Malaysia, Hồng Kông, Hà Lan, Hoa Kỳ…

Sản phẩm mắc ca tại Việt Nam chủ yếu là hạt sấy khô, nhân. Các sản phẩm được chế biến từ mắc ca như sữa, cà phê, dầu ăn, dầu gội… bước đầu đã được chấp nhận và tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Việc sản phẩm hạt mắc ca của nước ta đã bước đầu thâm nhập được các thị trường lớn, khó tính trên thế giới cũng như ngay tại thị trường nội địa mở ra cơ hội tốt cho phát triển trồng cây mắc ca ở Việt Nam.

Xuất khẩu mắc ca đã sẵn sàng hướng đến mục tiêu tỷ đô. Ảnh TL

Phát triển mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững là mục tiêu đặt ra tại đề án “Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” vừa được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký tại Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022.

Đề án đặt mục tiêu phấn đấu sản lượng mắc ca qua chế biến đạt khoảng 130.000 tấn hạt vào năm 2030, khoảng 500.000 tấn hạt vào năm 2050. Giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm mắc ca đạt khoảng 400 triệu USD vào năm 2030, khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2050, trong đó tỷ lệ sản phẩm mắc ca nguyên vỏ không vượt quá 40%.

Cần phát triển thị trường cho cây mắc ca 

Về phát triển thị trường cho cây mắc ca, ông Trần Quang Bảo – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh: “Đối với thị trường trong nước, các địa phương cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm mắc ca, gắn với chỉ dẫn địa lý; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm mắc ca”.

Đối với thị trường xuất khẩu, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ rào cản thương mại. Tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nhân và hạt mắc ca nguyên vỏ, các sản phẩm mắc ca chế biến sâu vào thị trường các nước.

Hạt mắc ca được thị trường ưa chuộng, nên rất dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, cây mắc ca phải trải qua chu kỳ từ 5-7 năm mới cho ra trái. Do đó, việc đầu tư cây mắc ca hiện nay đối với người dân là một “canh bạc”. Nếu như người dân mua phải bộ cây giống không phù hợp, thiệt hại về kinh tế rất lớn.

Về vấn đề này, ông Trần Quang Bảo cho biết, hiện Tổng cục Lâm nghiệp đã xây dựng kế hoạch triển khai hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Đề án có hiệu quả. Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế và bảo quản mắc ca, tiêu chuẩn giống cây trồng mắc ca…

Cho tới nay, sản lượng mắc ca trên toàn thế giới mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu trong khi tốc độ tăng trưởng của thị trường bình quân khoảng 15%/năm.

Theo dự báo của Hiệp hội Quả khô thế giới (INC), đến năm 2030 lượng cung hạt mắc ca mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu tiêu thụ. Quy mô ngành hàng mắc ca ở Việt Nam chưa lớn, đây chính là cơ hội để Việt Nam đi theo cách làm bài bản ngay từ đầu, tránh tình trạng phát triển ồ ạt nhưng manh mún, tự phát như một số nông sản khác.

Hiện nay giá bán hạt mắc ca tại vườn khoảng từ 70.000 – 90.000 đồng/kg hạt tươi. Ảnh: L.H

Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ này sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, đánh giá, xác định quy mô và quỹ đất phù hợp để trồng mắc ca; chỉ đạo, hướng dẫn trồng thí điểm với quy mô phù hợp, đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng tại một số địa phương khác. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam nghiên cứu, dự báo tình hình cung ứng và thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu để định hướng phát triển, kịp thời điều chỉnh sản xuất.

Hạt mắc ca có hàm lượng dinh dưỡng cao và hương vị thơm ngon, đặc biệt thích hợp trong chế biến thực phẩm. Nhân hạt có mùi thơm nhẹ, có thể dùng làm nhân bánh ngọt, nhân chocolate, kem, bánh hộp, hoặc ăn trực tiếp ở dạng đồ hộp rất được ưa chuộng ở Mỹ, EU…

Dương Lâm

nguồn:https://www.congluan.vn/mac-ca-viet-nam-da-xuat-khau-den-21-quoc-gia-vung-lanh-tho-post187540.html