Cây giống là vấn đề cốt lõi quyết định tương lai những vườn mắc ca

Để phát triển cây mắc ca thành cây trồng chiến lược tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải xây dựng quy trình sản xuất giống theo tiêu chuẩn chất lượng.
Chuyên gia đến từ Australia hướng dẫn người dân tại Lâm Đồng cách phân biệt, lựa chọn giống mắc ca tốt
Các hộ nông dân tìm hiểu kỹ thuật cắt ghép cây Mắc ca
Tại Hội thảo phát triển và nâng cao chất lượng cây giống mắc ca do Hiệp hội Mắc ca Việt Nam vừa tổ chức tại huyện Đơn Dương, các nhà khoa học đã chia sẻ kinh nghiệm về phát triển cây mắc ca ở Việt Nam, các ý kiến cho rằng, giống cây trồng có vai trò vô cùng quan trọng đến năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi cũng như tính đề kháng với côn trùng, dịch hại.
Theo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cây mắc ca được nhập vào nước ta từ năm 1994 với số lượng nhỏ và diện tích tăng dần từ năm 2003, cho đến nay ước tính lên đến vài triệu cây. Vì là cây trồng nhập nội còn mới nên thông tin về giống và quy trình canh tác cũng như công tác nghiên cứu đang tiếp tục triển khai từ Trung ương đến địa phương trồng mắc ca.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Viện nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp, từ năm 2004 đến nay, Viện đã phối hợp với các hộ gia đình, các doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu xây dựng được gần 100 ha mô hình khảo nghiệm giống mắc ca ở gần 20 tỉnh, thành thuộc các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên nhằm xác định các vùng sinh thái phù hợp cho gây trồng mắc ca cũng như chọn lọc các giống mắc ca sai quả phù hợp cho từng vùng sinh thái.
Trong nghiên cứu của nhóm tác giả gồm thuộc Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp thì Tây Bắc và Tây Nguyên là 2 vùng có điều kiện sinh thái phù hợp nhất cho năng suất hạt cao nhất, đồng thời có chất lượng hạt tốt nhất.
Kết quả nghiên cứu cũng đưa ra 6 giống có năng suất hạt cao và được công nhận giống gồm: OC; 246; 842; Daddow; A38 và QN1.
Tuy nhiên, hiện nay với sự gia tăng nhanh chóng diện tích mắc ca, nhiều cơ sở, hộ gia đình đã tự ươm giống mắc ca không xuất phát từ cây đầu dòng khiến cho chất lượng giống không đảm bảo. Các hộ dân tự sản xuất cây thực sinh tại gia đình rồi đem trồng hoặc bán. Việc làm này sẽ khiến cây sau khi trưởng thành sẽ ra hoa đậu quả kém.
Hiệp hội Mắc ca Việt Nam khuyến cáo, khi người dân trồng tự phát, theo phong trào, trồng cây không theo bộ giống rất dễ rơi vào loại giống có tỷ lệ thu hồi nhân kém.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho rằng, một cây giống đó nó sinh tồn và phát triển cho cả một chu kỳ mấy chục năm thì bà con phải tính toán vì nó thể hiện lợi nhuận bền vững cho người trồng mắc ca. Nếu mua giống không rõ nguồn gốc, sau này không hiệu quả thì mất mát vô cùng lớn. Người dân nên mua giống tại các cơ sở có uy tín, được Bộ NN-PTNT xác nhận đủ tiêu chuẩn sản xuất giống từ cây đầu dòng. “Nếu người dân chọn nhầm giống không tốt sẽ thiệt hại rất lớn, vì trồng vài năm cây mới cho quả. Thiệt hại về kinh tế khi phải chăm sóc, chờ đợi nhưng thiệt hại lớn nhất là niềm tin vào loại cây trồng đó”, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Võ Duẩn, Giám đốc Công ty TNHH Him Lam Mắc ca phân tích: “Cây đầu dòng đóng vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất cây giống mắc ca ghép. Do đó, cây đầu dòng phải là cây được định danh rõ ràng, được trồng khảo nghiệm và được công nhận phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại vùng trồng đã ra hoa đậu quả, cho năng suất ổn định ít nhất 3 năm trở nên mới được khai thác hom ghép. Cây mắc ca ghép phải được định danh phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại khu vực trồng, chỉ có như thế năng suất, chất lượng mắc ca mới đạt hiệu quả tối ưu”.
Nghiên cứu và tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất từ khâu chọn giống đến quy trình canh tác, thu hoạch, thu mua và chế biến đóng vai trò quan trọng để phát triển vùng nguyên liệu mắc ca bền vững, đảm bảo cho người dân yên tâm phát triển sản xuất, ông Võ Duẩn nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương đầu tiên thành lập Ban chỉ đạo mắc ca, cũng là tỉnh đầu tiên quy hoạch trồng cây mắc ca đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Yếu tố giống rất quan trọng với cây mắc ca, nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng tới quá trình canh tác sau này. Ban chỉ đạo mắc ca của tỉnh cũng thường xuyên khuyến cáo người dân nên mua giống tại các cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất giống tiêu chuẩn. Trong khi đó, địa phương cũng xác định đây là cây trồng đa chức năng nên khuyến khích người dân phát triển trồng xen với các loại cây như cà phê, chè.
Theo Đoàn Kiên – Báo Lâm Đồng