Bài đầu: Chuyên gia mắc-ca và tình yêu Việt Nam
(HNM) – Mắc-ca (macadamia) được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loại hạt với nhiều công dụng cho sức khỏe và lợi ích về kinh tế. Cho đến nay, người ta biết đến mắc-ca là loại hạt trồng phổ biến ở Australia mà không biết rằng, trên dải đất hình chữ S cũng có những vùng đất có thể trồng và phát triển loại cây này. Đặc biệt, với khu vực Tây Nguyên, “nữ hoàng” mắc-ca được dự báo là loài cây mới sẽ đánh thức tiềm năng phát triển…
Trước đây, tôi chỉ biết đất nước Australia là xứ sở của những chú chuột túi xinh xắn, của màu xanh với những rừng cây, chả thế mà nhiều khu vực thường được đặt tên với những cái đuôi là “wood” (rừng) như Burwood, Chatswood… Giờ đây, Australia trải trước mắt tôi là những cánh rừng mắc-ca ngút mắt, không thấy đâu là điểm kết thúc. Cũng ở nơi này, tôi đã gặp một chuyên gia trồng mắc-ca, người có một tình yêu đặc biệt dành cho vùng đất Tây Nguyên…
Thủ phủ của mắc-ca…
Không chọn Sydney hay Melbourne, tôi đến Brisbane, thành phố lớn thứ 3 của Australia, thuộc bang Queensland, nơi mà tôi có thể tận mắt nhìn những khu rừng bạt ngàn mắc-ca, được ăn những hạt chín rụng ở gốc cây.
Là đất nước với nhiều vùng có khí hậu cùng chất đất phù hợp, tổng diện tích mắc-ca của Australia hiện có khoảng trên 21.000ha, chủ yếu trồng dọc theo chiều dài 520km bờ biển phía Đông. Australia có hơn 6 triệu cây tuổi đời từ 6 đến 25 năm, trồng tại gần 800 trang trại, tập trung chủ yếu tại Bundaberg, Gympie, Nambucca và Northern Rivers. Ngành công nghiệp sản xuất và chế biến xuất khẩu mắc-ca Australia hiện chiếm 30% sản lượng và thị phần thế giới, mỗi năm thu về trên 200 triệu đô la Australia (1 đô la Australia tương đương 17.000 đồng Việt Nam).
Bang Queensland là một trong những nơi có nhiều cây mắc-ca nhất Australia. Với những vườn cây được lựa chọn kỹ lưỡng, cộng với kỹ thuật chăm sóc tốt, cây có thể cao tới vài chục mét, quả lại to và sai. Rừng mắc-ca thì nhiều, nhưng quy hoạch mắc-ca của Australia rất rõ ràng, không phát triển theo kiểu tràn lan. Bởi thế mà không có cảnh người nông dân khóc ròng khi không bán được mắc-ca, hay mắc-ca bị trả giá quá rẻ. Hơn nữa, vì có nhiều nhà máy chế biến, nên người nông dân có thể lựa chọn những nhà máy có giá tốt nhất và vị trí phù hợp nhất cho việc vận chuyển.
Theo tính toán của giới chuyên gia, sau 3 năm trồng cây đã cho quả và thu hoạch ổn định bắt đầu từ năm thứ 5 trở đi. Trung bình cây mắc-ca 9 năm tuổi sẽ cho thu hoạch 5 tấn quả. Quả mắc-ca có nhân chứa nhiều dinh dưỡng, hàm lượng dầu tới 78%. Trong dầu mắc-ca có trên 87% là axít béo không no, hàm lượng protein trong nhân lên tới 9,2%, cùng 20 loại axít amin rất cần thiết cho cơ thể… Nhân hạt mắc-ca được dùng làm thực phẩm cao cấp, dầu được dùng trong các loại mỹ phẩm, rất được ưa chuộng ở thị trường Âu – Mỹ.
Mùa thu hoạch quả mắc-ca từ tháng 7 đến tháng 9, có thể thu hoạch hạt khi hạt rụng xuống đất hoặc hái quả chín từ trên cây. Quả sau khi thu hoạch cần bóc vỏ ngay trong 24 giờ, vận chuyển đến nhà máy chế biến để sấy khô hoặc sấy tại nhà. Việc sấy khô cần làm trong hai tuần sau khi thu hoạch. Sau đó hạt mắc-ca được đưa vào nhà máy tách vỏ hoặc chế biến thành nhân bánh, kẹo, ép lấy dầu…
Tình yêu Tây Nguyên của một người Australia
Tôi đã đến thăm vài gia đình và bất ngờ khi người nông dân Australia lại có cuộc sống sung túc và bình yên đến vậy. Như gia đình ông Martin Novak, người đàn ông gần 70 tuổi, với những quả đồi trải dài hàng chục kilômét, sống với vợ và 2 người con trai. Đã từng sống ở thành phố nhiều năm, nhưng cuối cùng, ông lại chọn cánh rừng mắc-ca làm nơi dừng chân.
Ông nói với tôi, ông đã đi nhiều nơi để tìm đất trồng loại cây này và ông yêu mắc-ca như chính gia đình mình. Nơi ông Martin và gia đình sinh sống khá hẻo lánh, mỗi lần đi siêu thị mua đồ phải đi khá xa, thường phải mua dự trữ theo tuần, nhưng đổi lại, khí hậu ở đây rất phù hợp cho mắc-ca phát triển. Thông tin vui hơn mà tôi được biết về Martin chính là ông đã đến Việt Nam nhiều lần, cách đây cả chục năm, mà chủ yếu là vùng đất Tây Nguyên, nơi mà người nông dân thuần Australia này cho rằng chất đất của Tây Nguyên còn tốt hơn Australia nếu trồng mắc-ca.
Khi được hỏi tại sao ông đến Việt Nam nhiều lần như vậy, Martin cười hiền: “Tôi yêu Việt Nam và vùng đất Tây Nguyên”. Và hơn tất cả, ông muốn mang những kinh nghiệm của mình đến chia sẻ cho những người nông dân Tây Nguyên, để họ có thể tự trồng được loại có thể mang lại những lợi ích lớn về kinh tế. Người đàn ông này rong ruổi một mình không biết bao nhiêu ngày tháng nơi núi rừng bao la, đến từng nhà để trò chuyện với người nông dân Tây Nguyên. Nghe Martin kể hào hứng về Tây Nguyên, tôi cũng đủ hiểu ông gắn bó với Việt Nam, với vùng đất đầy nắng và gió đến nhường nào.
Theo ông Martin, khí hậu ở Tây Nguyên rất tốt, chất đất cũng đáp ứng yêu cầu mà cây mắc-ca cần. Hơn nữa, người nông dân có thể trồng xen cà phê và mắc-ca, bởi hai cây này có thể bổ trợ cho nhau. Cây cà phê, loại cây lợi thế truyền thống của Tây Nguyên sẽ không mất đi. Tuy nhiên, điều mà ông lo lắng chính là cần có những nhà máy chế biến loại hạt này, vì mắc-ca không thể để ngoài quá lâu, nếu không sớm chế biến sẽ không giữ được mùi vị thơm ngon ban đầu. Khi được hỏi Việt Nam nên trồng bao nhiêu mắc-ca là vừa đủ? Ông Martin cho rằng, trong 5 năm tới, có thể quy hoạch phát triển cây mắc-ca gấp 3 lần con số 10.0000ha, sau khi kết thúc 5 năm, chúng ta sẽ tổng kết và tiếp tục định hướng phát triển tiếp trong 10 năm tới. Khả năng trồng 30-40 triệu cây mắc-ca trong 10 năm tới là rất khả thi đối với một nước có tiền năng lớn như Việt Nam.
Để đầu tư một nhà máy không đơn giản vì “ngốn” khá nhiều tiền, nhưng khi cây mắc-ca được nghiên cứu trồng rộng rãi ở Việt Nam, ông Martin vẫn tin tưởng, nhà máy mắc-ca sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho Việt Nam nói chung, cũng như người nông dân nói riêng. Và không phải không có lý do mà một người nông dân thuần như Martin lại tin như vậy, vì ông vẫn hy vọng một ngày nào đó, những gia đình nông dân của Tây Nguyên đều trồng mắc-ca và sung túc hơn nhờ loại hạt “nữ hoàng” này…
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Thanh Nga – Báo Hà Nội Mới