Ðưa nông dân “học” mô hình nông nghiệp Nhật
Cập nhật lúc 08:29, Thứ Ba, 14/11/2017 (GMT+7)
Ðó là chuyến đi đưa các nông dân trong tỉnh tham quan học tập các mô hình làm nông nghiệp tại Nhật Bản do Hội Nông dân Lâm Ðồng lần đầu tiên tổ chức trong tháng 9/2017 vừa qua. Chuyến đi chỉ kéo dài 7 ngày nhưng có rất nhiều điều học được.
Lần đầu xuất ngoại
Với nhiều người trong đoàn, đây là lần đầu tiên họ đặt chân đến đất Nhật dù trước đó họ đã không ít lần du lịch ra nước ngoài, nhất là các nước trong cộng đồng Đông Nam Á. Còn với Hội Nông dân Lâm Đồng, đây là lần đầu tiên đứng ra tổ chức một chuyến đi vốn đã ấp ủ hơn 3 năm kể từ khi chủ trương đưa nông dân đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ra đời, đến nay Lâm Đồng mới thực hiện được.
Đoàn đi Nhật lần này gồm 17 thành viên, trong đó có 14 nông dân là những điển hình tiên tiến, những người sản xuất giỏi trong tỉnh, chủ trang trại, chủ nhiệm hợp tác xã, 2 cán bộ Hội Nông dân tỉnh, thêm 1 hướng dẫn viên du lịch của Công ty Du lịch Vietravel. Chuyến đi được ngân sách tỉnh hỗ trợ 60% cho mỗi nông dân trong đoàn, số còn lại người đi đóng góp. Tuy nhiên, trong 14 nông dân trên có 2 thành viên tự nguyện đóng góp toàn bộ chi phí cho chuyến đi. Tại Nhật, đoàn được bổ sung thêm 2 thành viên, gồm 1 phiên dịch viên tiếng Nhật và 1 hướng dẫn viên người Nhật Bản.
Trong 6 ngày trên đất Nhật, đoàn nông dân Lâm Đồng đã có các cuộc viếng thăm đến nhiều tỉnh và thành phố, thăm các mô hình trồng rau, vườn cây ăn trái, thăm các chợ tiêu thụ nông sản, thăm các làng cổ kết hợp bảo tồn văn hóa với làm du lịch.
Cụ thể, đoàn đã đến tỉnh Aichi thăm vườn rau thành phố Tahara, vườn trồng táo và lê Gamagori, trao đổi kinh nghiệm mô hình nhà vườn kết hợp du lịch trải nghiệm nông nghiệp tại đây; thăm vườn củ cải Moriguchi tại Gifu, thăm nông trại trồng cây Wasabi tại Daio, thăm chợ tiêu thụ nông sản thành phố Takayama; tham quan các siêu thị tiêu thụ nông sản tại trung tâm thành phố Tokyo.
Đoàn trong chuyến đi cũng đến ngôi làng cổ Shirakawa – một trong hai ngôi làng cổ nhất ở Nhật Bản hiện nay, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đoàn đến để học tập cách người nông dân Nhật bảo tồn di sản làng cổ 400 năm tuổi. Đoàn cũng thăm 2 làng cổ khác gồm làng Takayama và làng Oshino Hakkai để học tập cách đưa làng cổ thành điểm tham quan du lịch.
Trong dịp này, đoàn còn đến thăm và làm việc với Hiệp hội Nông dân tỉnh Aichi, thăm Hợp tác xã của những người trồng rau tại thành phố Nagoya nằm ở phía đông nước Nhật, nơi nổi tiếng đất nước này về canh tác bắp cải, nghe những nông dân nơi đây chia sẻ kinh nghiệm của mình về phát triển hợp tác xã.
Những điều học được
Rất nhiều điều học được từ chuyến đi này ở một đất nước có nền nông nghiệp tiên tiến hàng đầu thế giới.
Như ông Mai Văn Khẩn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Tiến – Đà Lạt, thành viên của đoàn nhận xét, dù chuyến đi ngắn nhưng “rất có giá trị”. “Về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thì họ không bằng mình, mỗi năm họ có 4 mùa, mùa lạnh rất lạnh, cây trồng khó. Còn Đà Lạt mỗi năm tuy có 2 mùa mưa nắng phân đôi nhưng cũng có thể nói chỉ là 1 mùa, mưa thì trồng trong nhà kính, nắng trồng ngoài trời, nghĩa là chúng ta có thể sản xuất rau hoa quanh năm. Nhà kính họ cũng không hiện đại bằng nhiều nhà vườn Đà Lạt vì nhiều nông dân ta tiếp cận và nhập khẩu công nghệ từ châu Âu. Tuy nhiên, năng suất họ lại cao hơn hẳn” – ông Khẩn cho biết.
Theo ông Khẩn, hầu hết những nơi làm nông nghiệp đoàn đến thăm thấy rất ít thanh niên làm vườn, hết hết người trẻ lên thành phố làm việc, nông thôn hầu như chỉ thấy người lớn tuổi. Tại một địa điểm đoàn đến, có một gia đình gồm cha mẹ và 1 con, chỉ 3 thành viên nhưng canh tác đến 6 ha đất vườn, không mướn thêm người lao động nào trong năm, tất cả được vận hành bằng máy móc. Nhật có một nền công nghiệp với máy móc hiện đại phục vụ cho nông nghiệp. Tuy lớn tuổi nhưng hai vợ chồng gia đình này ngày ngày làm việc rất cần mẫn. Vườn rau họ trồng tuân thủ qui trình nghiêm nhặt, gia đình rất trung thành với nghiệp đoàn, với hợp tác xã của mình.
Một điều thấy rất rõ trong cả chuyến đi theo ông Khẩn chính là hạ tầng nông thôn ở Nhật rất tốt. Đi đâu cũng có đường sá cực tốt, nhà nước đầu tư đường giao thông, hệ thống hồ đập tưới tiêu rất hoàn chỉnh cho nông dân sử dụng. Nước hồ tưới rau rất sạch, “sạch đến nỗi có thể uống được” – ông Khẩn cười.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thân, nông dân Đạ R’Sal – Đam Rông, cũng là 1 thành viên của đoàn, điều thú vị nhất trong chuyến đi mà ông muốn chia sẻ chính là tinh thần bảo vệ môi trường của nông dân Nhật. Ở tất cả những vùng nông thôn nơi đoàn có dịp đến, ông quan sát đều rất sạch, tươm tất, sạch từ đồng ruộng đến từng ngôi nhà “Rác thải bao bì hóa chất bảo vệ thực vật được thu gom rất nghiêm nhặt. Để bảo vệ đất đai, họ rất ít dùng phân bón hóa học, hạn chế dùng thuốc trừ sâu, chỉ dùng phân vi sinh chủ yếu nên rau quả rất an toàn”.
Và nhà cửa nông dân Nhật dù xen với đồng ruộng, lẫn với rừng cây nhưng theo ông Thân, rất ngăn nắp và sạch sẽ, không thấy rác vứt ra đường, sông suối nước cũng rất sạch. “Có thể nói đất đai họ không tốt bằng Lâm Đồng, khí hậu khắc nghiệt hơn nhiều nhưng họ bằng sự cần cù làm việc khoa học, tính cộng đồng cao, biết giữ gìn bảo vệ môi trường sống rất tốt nên có một nền nông nghiệp cực kỳ bền vững” – ông nhận xét.
Theo ông Thân, có rất nhiều điều mà phải lâu nữa mới bắt kịp nông dân Nhật, nhưng điều có thể học và làm được ngay từ bây giờ chính là giáo dục tinh thần bảo vệ môi trường cho nông dân: “Tôi nghĩ Hội Nông dân tỉnh nên phát động ngay phong trào bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh thái đồng ruộng, sinh thái làng quê, phối hợp với các ngành, các cấp phát động bảo vệ môi trường sinh thái đến tất cả mọi tầng lớp, mọi công dân trong xã hội như người Nhật đang làm, giáo dục tinh thần cộng đồng, từ học sinh trong trường học đến người cao tuổi, tất cả đều chung tay giữ gìn môi trường vì cuộc sống chung của mọi người, vì một nền nông nghiệp sạch, an toàn vì chính cuộc sống của chúng ta” – ông Thân trăn trở.
Như Hội Nông dân Lâm Đồng nhấn mạnh, các kinh nghiệm, thành công ở Nhật Bản là rất rõ ràng, song điều quan trọng là việc áp dụng như thế nào để phát triển nông nghiệp ở Việt Nam nói chung, nông nghiệp Lâm Đồng nói riêng sao cho có hiệu quả.
Còn theo nhiều thành viên trong đoàn, nếu được Hội Nông dân tỉnh nên tiếp tục chương trình học tập tham quan cho nông dân này, nhất là những nước tiên tiến như Nhật”. Rõ ràng là chúng ta đi một ngày đàng học được một sàng khôn” – ông Thanh suy nghĩ.
VIẾT TRỌNG
Nguồn: Báo Lâm Đồng