Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên
ĐBND – Sáng nay 6.5, tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội mắc ca Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên năm 2017. Dự Hội nghị có Phó Chủ nhiệm VPQH Đỗ Mạnh Hùng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Ngọc Liêm; Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Trọng Quảng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Trương Thanh Tùng và gần 200 đại biểu đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo doanh nghiệp, hội viên Hiệp hội mắc ca.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Việt Nam Dương Công Minh cho biết: Hiệp hội mắc ca Việt Nam được ra đời tháng 4.2016 theo Quyết định số 124/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ. Là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, là đơn vị tiên phong đánh thức tiềm năng phát triển cây mắc ca tại Việt Nam, từ năm 2016 tới nay, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Công ty Cổ phần Him Lam – Cổ đông sáng lập chủ chốt của Ngân hàng – đã có những hành động thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển mắc ca tại Việt Nam.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Him Lam đã cam kết đầu tư 1.000 tỷ đồng phát triển cây mắc ca tại tỉnh Lâm Đồng, tập trung phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến mắc ca tại Lâm Đồng. Về phía Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã triển khai 2 gói tín dụng ưu đãi với tổng vốn cam kết là 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân trồng mắc ca, các tổ chức – doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm mắc ca khu vực Tây Nguyên, trong đó 10.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi để phát triển mắc ca tại tỉnh Lâm Đồng và 3.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi để phát triển mắc ca và cây công nghiệp tại tỉnh Đắk Nông.
Về kế hoạch hoạt động của Hiệp hội mắc ca Việt Nam, Chủ tịch Dương Công Minh mong muốn trong thời gian tới Hiệp hội mắc ca Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp thiết thực hơn nữa cho sự phát triển ổn định, bền vững thị trường mắc ca, tiếp thu các kiến nghị của doanh nghiệp, quan tâm hơn nữa công tác đánh giá tác động của chính sách phát triển thị trường, tổ chức nhiều hơn nữa các buổi găp mặt để các thành viên của Hiệp hội hoạt động hiệu quả, cùng trao đổi các thông tin của Hiệp hội với cộng đồng. Đồng thời tiếp tục tăng cường đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm của các mô hình hiệp hội từ các nước phát triển. Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu thúc đẩy thị trường Mắc ca Việt Nam phát triển bền vững.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh cây mắc ca là một cây trồng mới, rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng Tây Nguyên, đặc biệt trồng tại Lâm Đồng. Xác định được thế mạnh trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quy hoạch phát triển mắc ca trên địa bàn giai đoạn 2016 – 2020 hướng đến 2030, theo đó đến năm 2020 phát triển 4.000ha mắc ca chủ yếu trồng xen vào cà phê, diện tích thu hoạch khoảng 950ha, sản lượng khoảng 1.700 tấn hạt/năm. Đến năm 2030 diện tích mắc ca trồng xen đạt khoảng 15.000ha, diện tích thu hoạch đạt 4.000ha, sản lượng hạt 8.000 tấn hạt/năm.
Đến nay tỉnh Lâm Đồng cũng đã có 13 cơ sở ươm giống cây mắc ca với khả năng cung cấp 312.000 cây giống/năm. Phó Chủ tịch bày tỏ: Việc Hiệp hội Mắc ca Việt Nam chọn TP. Đà Lạt làm địa điểm tổ chức Hội nghị thường niên 2017 là một vinh dự cho tỉnh Lâm Đồng, đồng thời đề nghị Tập đoàn Him Lam đẩy nhanh các thủ tục để công nhận vườn ươm giống đạt tiêu chuẩn và vườn cây giống đầu dòng làm cơ sở để cung cấp giống cho nhân dân; phát triển hệ thống thu mua, sơ chế và hoàn chỉnh hồ sơ để khởi công xây dựng nhà máy chế biến mắc ca…
Cũng tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hội viên Hiệp hội và đại diện các hộ dân đã và đang trồng mắc ca đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ về những kinh nghiệm và những khó khăn trong việc trồng, chăm sóc cây Mắc ca. Đại hội lần thứ nhất Hiệp hội mắc ca Việt Nam kết nạp 134 hội viên, đến nay danh sách hội viên đã lên đến gần 340 hội viên.
+ Trước đó, các chuyên gia, đại biểu đại diện thành viên Hiệp hội mắc ca Việt Nam, Ngân hàng LienViet PostBank đã đi thăm thực tế khu chế xuất, Trung tâm sản xuất giống và một số hộ trồng cây mắc ca đạt hiệu quả kinh tế cao tại huyện Lâm Hà.