LienVietPostBank và hoàng hậu Mắc-ca Tây Nguyên

LienVietPostBank và hoàng hậu Mắc-ca Tây Nguyên

Từ nhiều năm nay, cây cà phê và một số loại cây công nghiệp như chè, cao su… là những loại cây thoát nghèo và làm giàu cho rất nhiều người dân Tây Nguyên. Thế nhưng, với khoảng 20% số cây cà phê già cỗi nhiều loại sản phẩm đầu ra không ổn định thì thách thức việc làm, thu nhập, thậm chí là đói nghèo có nguy cơ trở lại với không ít bà con Tây Nguyên. Một mình người nông dân rất khó xoay sở với bài toán này. Nhưng với sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu nông nghiệp, các cơ quan chức năng và LienVietPostBank, dường như bài toán đã có lời giải.

Trồng mắc ca xen canh đem lại hiệu quả kinh tế cao

Tại sao chọn Mắc-ca tại Tây Nguyên?
Mắc-ca được phong là “hoàng hậu các loại hạt khô” vì hạt có chất dinh dưỡng cao dùng làm thực phẩm chức năng và mỹ phẩm rất tốt. Là loại cây sẽ thay thế được cây cà phê truyền thống ở Tây Nguyên vì cây cà phê đã được tổng kết với những con số khiến bà con nông dân Tây Nguyên phải giật mình, đó là theo thống kê của Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, trong số hơn 450.000 ha cà phê của khu vực hiện đã có khoảng 100.000 ha bị già cỗi, năng suất dưới 1,5 tấn/ha, không có khả năng phục hồi hay ghép cải tạo. Dự tính, đến năm 2020, hơn 70% diện tích cà phê ở khu vực này cũng sẽ lâm vào tình trạng tương tự, đòi hỏi phải nhổ bỏ để trồng lại. Thêm vào đó, phá bỏ trồng mới lại cà phê mất 5 – 6 năm mới cho thu nhập, chi phí đầu tư tốn kém, mỗi ha để tái canh cần đầu tư khoảng 200 – 300 triệu đồng (theo số liệu của Vinacafe) cho cải tạo đất, cây giống, phân bón, công chăm sóc… Các hộ nông dân đa phần thiếu vốn nên phương án này khó khả thi. Hơn nữa tình hình cà phê giá cả biến động thất thường, năng suất ngày càng thấp, các chi phí chăm sóc, thu hoạch hàng năm không giảm, người nông dân không còn mặn mà để tập trung phát triển cây công nghiệp này. Vậy, liệu có lời giải nào cho bài toán không dễ này?

Mắc-ca được nhập về trồng ở Việt Nam từ đầu những năm 2000, cây Mắc-ca đang dần chứng tỏ lợi thế vượt trội so với cây cà phê. Theo số liệu thống kê, nhu cầu trên thế giới cho Macadamia (còn gọi là cây Mắc-ca) gấp 4 lần tổng sản lượng, nguồn cung hạt Mắc-ca còn được dự báo phải mất hàng chục năm nữa mới đuổi kịp cầu khi cầu ngày càng mở rộng. Giá cả Mắc-ca trên thị trường thế giới vẫn không ngừng tăng và là một trong những hàng nông sản đắt giá nhất trên thị trường thế giới hiện nay.

Đầu ra đã có lời giải
Với những lý do hấp dẫn trên, hàng chục nước đã tiến hành trồng cây Mắc-ca như Guatemala, Mehico, Venezuela, Zimbabwe, Tanzania, Ethiopia, Mali, Newzeland, Gana, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam… Trên thế giới, việc mở rộng diện tích trồng cây Mắc-ca lại là vấn đề không đơn giản do loại cây này yêu cầu thổ nhưỡng và khí hậu khá đặc biệt. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ ở các nước rất lớn, nhất là châu Âu và Úc, nếu biết kết hợp nguồn cầu xuất khẩu khá dồi dào… Ở Việt Nam, với địa điểm trồng thử nghiệm đầu tiên tại Ba Vì (Hà Nội), sau đó tại Đắk Lắk, Lâm Đồng…, sau 10 năm thử nghiệm, kết quả cho thấy gần 100% số cây đều sai quả, tỷ lệ sống lên tới 98%. Cũng theo nghiên cứu của Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, các giống Mắc-ca trồng ở Tây Nguyên như H2, 508 có tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao, đặc biệt giống OC khá phù hợp với điều kiện sinh thái Tây Nguyên, cho năng suất cao, cỡ hạt lớn, ít sâu bệnh, cây có độ tán cân đối, vững chắc. Ngoài ra, cây Mắc-ca còn có những lợi thế không nhỏ như kỹ thuật trồng đơn giản, cây có tính chịu đựng tốt, vừa không có sâu, bệnh hại, lại có thể chịu hạn, sương muối, giá rét…, chỉ có kẻ thù là chuột. Cây Mắc-ca lại có thể trồng xen với cà phê, đáp ứng được yêu cầu cần có bóng mát của cây cà phê. Khi áp dụng mô hình nông nghiệp không gian: trên tầng cao là cây Mắc-ca, tầng dưới là cây cà phê thì thế giới không có mô hình nông nghiệp nào có thể so sánh được về hiệu quả kinh tế như vậy. Tính khiêm tốn thì mô hình này có thể cho thu nhập 1 tỷ đồng/ha, thậm chí còn cao hơn mà không mất chi phí khai hoang tốn kém. Trồng Mắc-ca cũng có nhiều lợi thế cho nông dân ở khâu sau thu hoạch: cách thu hoạch chủ yếu là thu lượm quả chín rụng trên mặt đất bằng máy hoặc bằng tay; sản phẩm thu hoạch nói chung chín đều và do đó sẽ không có vấn đề chất lượng như trường hợp cà phê do phải tuốt cả chùm bao gồm cả quả chín và xanh. Sau khi chín rụng phần lớn vỏ quả đã nứt sẵn, có thể tách lấy hạt ngay tại vườn. Hiện nay đã có nhiều chất điều hòa sinh trưởng có thể sử dụng cho quả chín rụng tập trung hơn, giảm bớt công vào rừng thu nhặt hàng ngày. Nguồn nhân lực tại địa bàn Tây Nguyên tương đối dồi dào, chi phí nhân công lao động thấp hơn nhiều so với một số nước đang phát triển cây Mắc-ca như Úc, Nam Phi,… nên chi phí sản xuất giảm, tăng lợi nhuận cho người trồng cây Mắc-ca.

Cần những “cú hích” về quy hoạch, chính sách, công nghệ và vốn
Mắc-ca đang mở ra triển vọng làm giàu cho Tây Nguyên, giúp phá thế độc canh bất lợi của cà phê, trong khi về dinh dưỡng cây Mắc-ca lại dư sức cạnh tranh với ca cao và nhiều loại quả cho hạt khác.

Mặc dù vậy, để phát triển cây Mắc-ca cần vượt qua những “thử thách” để giải bài toán mang tính tổng hòa của nhiều yếu tố. Người nông dân hiện nay còn chưa biết nhiều về cây Mắc-ca, thậm chí còn “từ chối” vì chưa biết hết lợi ích cây Mắc-ca mang lại. Nguồn giống cây trồng còn hạn chế, chủ yếu là nhập khẩu từ nước ngoài nên làm tăng giá thành giống cây trồng. Người nông dân với nguồn vốn thấp sẽ khó tiếp cận và mở rộng vườn cây Mắc-ca. Cây Mắc-ca lại chưa có quy hoạch phát triển chính thức cho vùng Tây Nguyên. Đồng thời, nhiều nhà kinh tế cũng cho rằng, vấn đề đầu ra cho hạt Mắc-ca tưởng chừng dễ dàng nhưng thực tế vẫn khó khăn. Mặc dù thị trường thế giới vẫn có nhu cầu cao nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được thị trường này. Sự nghèo nàn trong kỹ thuật cũng làm giảm chất lượng đầu ra của Mắc-ca, dẫn đến lượng tồn kho lớn, đời sống của người nông dân gặp khó khăn…

Bởi vậy, để phát triển cây Mắc ca thành một cây nông sản chủ lực cần có quy hoạch rõ ràng về vùng trồng cây Mắc-ca phù hợp về điều kiện khí hậu, cây sinh trưởng và phát triển tốt, tránh việc trồng vào vùng khí hậu không thuận lợi cây không ra quả hoặc có năng suất thấp gây lãng phí. Bên cạnh các yêu cầu về nguồn giống chất lượng cao, tư vấn kỹ thuật trồng – thu hái – chế biến, để cây Mắc ca mang lại hiệu quả thực sự, cần huy động nguồn vốn ưu đãi và thời gian cho vay dài do thời gian đầu triển khai trồng Mắc-ca cần đầu tư lớn về giống cây trồng, phân bón hóa chất, hệ thống tưới tiêu, sau 4 năm mới cho quả thu hoạch. Bà con nông dân không thể thu xếp được nguồn vốn trong thời gian dài như vậy. Với nguồn vốn cho vay dài, giá ưu đãi mới có thể khuyến khích người nông dân chuyển đổi cây trồng sang hướng mới hiệu quả hơn, thay thế hoặc trồng xen canh cây cà phê.

LienVietPostBank – ngân hàng đi đầu phát triển cây Mắc-ca ở Tây Nguyên
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) trong Đề án Thay đổi giống cây trồng – Phát triển cây Mắc ca tại địa bàn Tây Nguyên, tháng 3/2014, mô hình kinh tế hộ phù hợp với giai đoạn trồng, hái và nhà máy chế biến Mắc-ca tập trung đáp ứng được yêu cầu sấy khô hạt Mắc-ca. Từ đó, sản phẩm được chuyển tới các công ty chuyên thu mua, xuất khẩu cho người nông dân, đảm bảo việc bao tiêu đầu ra ổn định, giá mua có lãi hợp lý, khuyến khích người nông dân đẩy mạnh công tác phát triển trồng cây Mắc–ca. Các nhà xuất khẩu và hiệp hội ngành hàng đồng thời phải tăng cường tìm kiếm các đối tác xuất khẩu có uy tín thương hiệu trên thế giới từng bước giới thiệu sản phẩm và xuất khẩu vào các thị trường nhiều tiềm năng.

Đề án của LienVietPostBank về thay đổi giống cây trồng – phát triển cây Mắc ca tại địa bàn Tây Nguyên dự báo có thể phát triển Mắc-ca thành một ngành sản xuất hàng hóa có quy mô tương đối lớn, ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm Mắc-ca phát triển đáp ứng nhu cầu của thị trường như Mỹ, Nhật, Đức, Trung Quốc, Trung Đông, Ấn Độ…

Với kinh nghiệm trong việc triển khai thành công Đề án Phát triển Tín dụng Nông nghiệp Nông thôn khu vực Tây Nam Bộ từ năm 2010, tiếp nối bởi Đề án 5.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nông nghiệp nông thôn có bảo hiểm lãi suất ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long từ tháng 10/2013, LienVietPostBank dự kiến dành 10.000 tỷ đồng để cho vay hộ nông dân vùng Tây Nguyên thay đổi giống cây trồng.

Trong quá trình thực hiện 2 Đề án nêu trên, LienVietPostBank đã xây dựng mô hình Phú Tam Nông, trong đó Ngân hàng đóng vai trò đầu mối kết nối giữa các nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà báo, nhà Ngân hàng và nhà bảo hiểm) để tập trung giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất, kinh doanh theo hướng lồng ghép cùng mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Đồng thời, LienVietPostBank cũng dự kiến xúc tiến trực tiếp đầu tư 5.000 ha Mắc-ca thông qua Công ty cổ phần Tập đoàn Liên Việt nhằm thí điểm mô hình trông cây Mắc ca cánh đồng mẫu lớn theo quy trình khép kín: sản xuất – chế biến – tiêu thụ…

Ông Nguyễn Đức Hưởng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị LienVietPostBank chia sẻ, để tạo điều kiện phát triển cây Mắc-ca tại Tây Nguyên nhằm giúp bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên thay thế dần cây cà phê hiệu quả càng ngày càng thấp vì cây già cỗi, sản lượng thấp và nguồn nước tưới cà phê ngày càng cạn kiệt, cần có chính sách ưu đãi về thuế và có chính sách quy hoạch vùng bài bản, hiệu quả. Đồng thời, LienVietPostBank cũng kiến nghị Nhà nước có giải pháp chỉ đạo các cấp có thẩm quyền, các nhà khoa học vào cuộc đưa ra những kết luận xác đáng, đồng thời phải có sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại khác đồng hành với LienVietPostBank và nông dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn cho nông dân bằng xây dựng gói cho vay đặc thù, lãi suất thấp phục vụ việc thay đổi cây trồng tại địa bàn Tây Nguyên nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội, góp phần nâng cao mức sống của đồng bào Tây Nguyên, góp phần củng cố căn cứ địa chính trị của khu vực Đông Dương.

Nguồn:http://www.lienvietpostbank.com.vn/tin-tuc-su-kien/tin-lienvietpostbank/noi-dung/lienvietpostbank-va-hoang-hau-mac-ca-tay-nguyen