Mắc ca lựa chọn mới thay thế cho cây cà phê

Vốn là vùng đất có thế mạnh về cây cà phê, nhưng trong mấy năm trở lại đây, nhiều hecta cà phê đã bị cằn cỗi, cần một nguồn vốn lớn nếu muốn tái canh. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, khu vực này cần được dần thay thế một loại cây khác có tính giá trị cao và mắc-ca được coi là một lựa chọn ưu tiên nhất. Vấn đề này được đưa ra tại hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc-ca tại Tây Nguyên” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nguyên và tỉnh Lâm Đồng tổ chức ở Đà Lạt, Tây Nguyên ngày 7-2.Là một loại hạt khô có giá trị dinh dưỡng cao, mắc-ca (macadamia) được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, sản lượng mắc-ca chưa theo kịp nhu cầu của người tiêu dùng, khiến giá mắc-ca khá cao. Hiện, giá 1 kg nhân hạt mắc-ca thành phẩm sản xuất trong nước lên tới 700 nghìn đồng/kg, tương đương hơn 33 USD/kg, trong khi, giá nhân hạt mắc-ca thành phẩm nhập khẩu từ Úc hiện là 950 nghìn đồng/kg, tương đương khoảng 45 USD/kg, cao hơn 36%.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, mắc-ca đã thâm nhập vào Việt Nam từ năm 1994, được trồng thí điểm tại Phú Thọ, Hòa Bình, Tây Nguyên… nhưng sau một thời gian thực tế, loại cây này có kết quả tốt nhất ở Tây Nguyên. Mắc-ca mang lại rất nhiều giá trị kinh tế vì có thể trồng xen canh. Do đó, Việt Nam có thể hoàn toàn tin tưởng sẽ phát triển cây mắc-ca để có thể trở thành trung tâm mắc-ca không chỉ của khu vực mà còn của thế giới.

Đến từ một quốc gia đã có hàng trăm năm phát triển cây mắc-ca, chuyên gia về nông nghiệp của Australia, Martin Novak nhận định, Tây Nguyên là nơi phù hợp nhất để trồng cây mắc-ca ở Việt Nam, bởi khu vực này được thiên nhiên ưu ái về khí hậu phù hợp với loại cây này. Hơn nữa, cấu tạo đất ở đây rất xốp, nên có thể cho cây mắc-ca sản lượng và chất lượng tốt nhất. Trong khi ở những vùng khác như Hòa Bình, Lạng Sơn, cây mắc-ca chỉ cho sản lượng đạt 60% thì Tây Nguyên có thể đạt hiệu quả 100%, nếu được chăm sóc kỹ lưỡng có thể cho sản lượng lớn hơn ở Australia, vốn được coi là “vựa” của loại hạt quý này. Nếu phát triển và nhân rộng được mắc-ca, Việt Nam sẽ không phải lo lắng về “đầu ra” của sản phẩm, vì thị trường cho mặt hàng này rất rộng. Không chỉ được ưa chuộng ở Mỹ, mắc-ca còn được người dân nhiều nước khác ở châu Mỹ, châu Âu và cả châu Phi, cũng như một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… ưa chuộng.

Mặc dù được trồng ở Tây Nguyên từ những năm 1990, nhưng mắc-ca chưa thực sự được chú trọng, bởi người dân thiếu vốn, hơn nữa họ lo lắng về hạt giống cũng như “đầu ra” cho sản phẩm. Trước những vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank) khẳng định, ngân hàng sẽ dành nguồn vốn lớn, khoảng 10.000 tỷ đồng để cho các hộ nông dân vay để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là đầu tư cho cây mắc-ca. Loại cây cà phê, cao su, tiêu, điều của đồng bào Tây Nguyên đang già cỗi, đặc biệt là cây cà phê. Do đó, đây chính là thời điểm đặt ra nhu cầu bức thiết về tái cơ cấu cây trồng và tìm kiếm, lựa chọn một cây trồng công nghiệp chiến lược mới cho Tây Nguyên. Cùng với đó, LienVietPostBank cũng sẽ phối hợp cùng Công ty CP Him Lam cử chuyên gia đến hướng dẫn người dân lựa chọn giống, cũng như cách thức trồng cây mắc-ca để loại cây này có thể mang lại hiệu quả cao nhất.