Ngân hàng đi kèm, Hiệp hội bao tiêu sản phẩm

Hiếm có một loại cây trồng nào có hẳn một ngân hàng đi kèm cho vay vốn với hàng loạt chính sách ưu đãi, điều kiện khá thuận lợi để người dân có vốn đầu tư…

Hiếm có một loại cây trồng nào có hẳn một ngân hàng đi kèm cho vay vốn với hàng loạt chính sách ưu đãi, điều kiện khá thuận lợi để người dân có vốn đầu tư; đặc biệt có hẳn một hiệp hội cam kết mua toàn bộ sản phẩm cho người dân như cây mắc ca.

Ông Huỳnh Ngọc Huy, Thành viên Hội đồng thành viên Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Tổng thư ký Hiệp hội mắc ca Việt Nam đã nói như vậy với đồng bào Tây Nguyên khi nghe người dân nói chuyện trồng mắc ca.

Ông Huỳnh Ngọc Huy khẳng định, trồng mắc ca rất dễ và cây giống quyết định sự thành bại hiệu quả

Ông Huỳnh Ngọc Huy khẳng định, trồng mắc ca rất dễ và cây giống quyết định sự thành bại hiệu quả

Tại các điểm dừng chân, đoàn cán bộ Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Hiệp hội mắc ca Việt Nam đều trình bày rõ về chương trình phát triển mắc ca ở Việt Nam, trọng tâm tại Tây Nguyên và Tây Bắc theo Quyết định phê duyệt quy hoạch của Bộ NN-PTNT ban hành ngày 5/4/2016.

Ký cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân

Mục đích của chuyến đi lần này là giải đáp các thắc mắc của bà con nông dân về gói tín dụng trồng mắc ca. Chính vì thế, tại các điểm tổ chức, nhân dân trong vùng đến tham dự rất đông. Nhiều nơi, hội trường không còn chỗ trống, ban tổ chức phải bố trí cả ghế cho người dân ngồi ở cả khu vực sân khấu và phía ngoài hội trường.

Tại huyện K’bang, tỉnh Gia Lai, năm 2016, Bộ NN-PTNT đã đồng ý quy hoạch trồng 600 ha cây mắc ca. Theo ông Võ Văn Phán, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện K’bang, thì nhiệm kỳ trước K’bang đã ban hành Nghị quyết 07 trồng mắc ca và ca cao nhưng đến nay chỉ mắc ca tồn tại, phát triển được.

“Tôi nói điều này để nhấn mạnh rằng, chúng ta phát triển kinh tế bằng sự minh bạch và công khai chứ K’bang không làm chui và đến nay toàn huyện đã có 120 ha mắc ca phát triển rất tốt, cho quả ngọt. Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch tỉnh đã đến thăm vườn mắc ca và nhận thấy nó thực sự có hiệu quả”, ông Phán nói.

Cũng theo ông Phán, trước khi có hội nghị này, UBND huyện đã làm việc với Ngân hàng và Hiệp hội mắc ca đồng thời có biên bản cam kết, trong đó thể hiện rõ một số nội dung sau đây: Ngân hàng Liên Việt cho vay vốn trong vòng 15 năm và bắt thu hồi vốn khi cây mắc ca được 6 tuổi; Hiệp hội cam kết tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho nông dân với giá mua tối thiểu bằng 85% so với bên Úc.

LienVietPostBank sẽ mở phòng giao dịch tại huyện để thuận lợi cho bà con vay vốn. Hiệp hội mắc ca sẽ hỗ trợ cây giống cho 100ha của một làng trên địa bàn huyện và thường xuyên tổ chức hội thảo tư vấn cho nông dân trong suốt quá trình trồng và chăm sóc mắc ca. Về phía huyện cam kết đảm bảo đủ diện tích 600 – 700 ha trồng mắc ca.

Dưới hội trường, có người nói vọng lên, lấy gì làm đảm bảo điều ông Chủ tịch vừa nói? Ông Phán từ tốn đáp, nhân dân sẽ được tiếp cận đầy đủ nội dung biên bản cam kết này tại bảng tin trụ sở ủy ban nhân dân các xã và được tuyên truyền sâu rộng trong các cuộc tiếp xúc, tập huấn.

Hội trường không còn một chỗ trống, người dân ngồi vào cả khu vực sân khấu lắng nghe và đặt nhiều câu hỏi về trồng mắc ca

Hội trường không còn một chỗ trống, người dân ngồi vào cả khu vực sân khấu lắng nghe và đặt nhiều câu hỏi về trồng mắc ca

“Ngân hàng cho vay 6 năm mới bắt đầu thu vốn. Trong trường hợp Hiệp hội không mua sản phẩm cho bà con thì đồng nghĩa bà con sẽ không có tiền để trả nợ. Phải nói với nhau một cách song phẳng như vậy để gắn trách nhiệm các bên”, ông Phán dứt lời, cả hội trường vỗ tay.

Giống không rõ nguồn gốc, mất mát vô cùng lớn

Những hội nghị diễn ra sau đó ở các địa điểm Krông Năng (Đăk Lăk), Đam Rông (Lâm Đồng) và Tuy Đức (Đắk Nông), người dân đặc biệt quan tâm đến gói tín dụng và giống mắc ca. Một nông dân ở xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, hỏi, có phải thông qua chương trình này để Hiệp hội bắt tay với doanh nghiệp bán giống mắc ca không?

Trả lời sau đó, ông Huỳnh Ngọc Huy nói rằng, cảm thấy chạnh lòng nhưng xin được nói rõ với bà con, hiếm có một cây trồng nào mà có hẳn một ngân hàng đi kèm và một hiệp hội cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân như cây mắc ca. Nói rồi, ông Huy cung cấp số điện thoại để người dân phản ánh khi có những vấn đề băn khoăn về thủ tục vay vốn, giống, kỹ thuật trồng và bao tiêu sản phẩm.

Theo ông Huy, các đơn vị cung ứng giống được Hiệp hội giới thiệu đều mua cây giống đầu dòng với giá 15 triệu đồng/cây. Có doanh nghiệp họ đầu tư cả 40 tỷ đồng cho một vườn giống. Trong khi họ bán 50-60 ngàn đồng/cây cho bà con. Tôi khẳng định rằng, làm giống không lợi nhuận gì trong đó. Vấn đề là một cây giống đó nó sinh tồn và phát triển cho cả một chu kỳ mấy chục năm thì bà con phải tính. Đấy mới là lợi nhuận bền vững cho người trồng mắc ca. Còn mua giống không rõ nguồn gốc, sau này không hiệu quả thì mất mát vô cùng lớn.

Rất đông người dân tới tham dự hội nghị

Rất đông người dân tới tham dự hội nghị

Ông Huy dứt lời thì chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Việt Nam đứng lên nói với bà con rằng, việc trồng giống nào, mua ở đâu là quyền của bà con. Hiệp hội không bắt người dân phải mua giống ở chỗ này chỗ khác. Chúng tôi có điều kiện học hỏi, nghiên cứu ở nhiều quốc gia trồng mắc ca nên khuyến cáo để bà con lựa chọn thôi.

Câu hỏi được lặp đi lặp lại nhiều nhất là người dân chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có được vay vốn hoặc hiện đất đang thế chấp ở ngân hàng khác thì nay có được vay vốn ở LienVietPostBank không?

Vấn đề này, bà Nguyễn Thu Hằng, Trưởng ban triển khai sản phẩm tín dụng thuộc Khối sản phẩm của LienVietPostBank và bà Lê Thị Kim Anh, Giám đốc LienVietPostBank chi nhánh Lâm Đồng trả lời rằng: Tất cả cá nhân tổ chức vay vốn để trồng mắc ca trong vùng quy hoạch hoặc trồng xen đều được hưởng chính sách tín dụng phát triển mắc ca của LienVietPostBank. Theo đó, đối với hộ gia đình đất chưa có bìa đỏ thì chỉ cần xác nhận của UBND cấp xã là đất đó có chủ sử dụng ổn định, không có tranh chấp thì được sử dụng để thế chấp vay vốn.

Nếu người dân đang vay vốn ở Ngân hàng khác nay muốn chuyển sang vay LienVietPostBank thì được giải quyết theo thủ tục mua nợ, đồng thời được hưởng chính sách tín dụng trồng mắc ca.

Theo bà Kim Anh, nếu người dân không muốn chuyển nợ và đất đã bị thế chấp ở ngân hàng khác thì phía LienVietPostBank sẵn sàng lấy tài sản hình thành trong tương lai (chính là mắc ca sau thu hoạch của nông dân) làm tài sản thế chấp để giải quyết khoản vay mới cho nông dân.

 Văn Hùng

       Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam