Hiện nay, cây Mắc ca đã được trồng ở nhiều nơi trên cả nước như Lai Châu, Sơn La và đặc biệt là 05 tỉnh Tây Nguyên đã cho kết quả khả quan.
Qua kết quả khảo sát, năng suất trung bình sau năm thứ 10 khoảng trên 06 tấn/ha, với giá thị trường khoảng 50.000đồng/kg quả tươi thì so với một số loại cây trồng khác (như tiêu, cà phê…) hiệu quả cây Mắc ca có phần cao hơn, đặc biệt là kết hợp trồng xen canh.
Khảo sát nhận thấy tỉnh Kon Tum là địa phương có tiềm năng về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội phù hợp phát triển cây Mắc ca. Tuy nhiên cần chú trọng việc lựa giống cho các vùng có điều kiện tự nhiên khác nhau; áp dụng các biện pháp thâm canh phù hợp, nhất là trong giai đoạn phân hóa mầm hoa.
Tại buổi làm việc, các cơ quan chức năng và một số hộ dân đã trồng Mắc ca trên địa bàn tỉnh thông tin, trao đổi về hiệu quả, tình hình phát triển cũng như những khó khăn trong chọn giống, chọn đất, cách trồng và chăm sóc phù hợp để cây Mắc ca sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.
Đồng chí Nguyễn Hữu Tháp đánh giá cao những kết quả nghiên cứu, triển khai của Hiệp hội, ý kiến tham gia đánh giá và đề xuất của nhà khoa học, người nông dân.
Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, tổng hợp báo cáo khẳng định về cơ sở khoa học để định hướng trồng và phát triển cây Mắc ca; hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai thử nghiệm các mô hình như trồng xen cà phê, gắn với cải tạo rừng trồng… để đánh giá hiệu quả về năng suất, hiệu quả kinh tế xã hội.
Đồng chí đề nghị trong thời gian tới Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phối hợp hỗ trợ địa phương trong vấn đề lựa chọn giống, xác định các vùng thích nghi, xây dựng quy trình, mô hình canh tác hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh./
Nguồn: Thanh An – Báo Kontum.