Tây Nguyên – vùng đất tiềm năng phát triển cây macca

ĐẮK LẮK có khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển cây macca, nhưng vấn đề giống đang khiến người dân hoang mang.

Bên lề hội thảo Phát triển và nâng cao chất lượng cây giống macca tại xã Dlie Ya, huyện Krông Năng, hôm 27/12, ông Lê Trọng Quảng, Phó chủ tịch Hiệp hội Macca Việt Nam cho hay, so với những loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu…tỉ lệ mắc bệnh ở cây macca ít hơn rất nhiều. Tuy nhiên cây macca không phải không có bệnh và hiệp hội cũng đã có những giải pháp trước mắt để phòng trừ sâu bệnh.

Ông Quảng cho biết, thuận lợi là Tây Nguyên nằm ở độ cao trên 600 m, thổ nhưỡng, nguồn nước phong phú rất phù hợp để trồng cây macca. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là giống không rõ nguồn gốc, bán trôi nổi trên thị trường rất nhiều; người dân ham rẻ mua phải thì rất nguy hiểm.

“Chúng tôi đang cố gắng tạo niềm tin cho người dân bằng việc quản lý chặt việc cắt ghép giống”, ông Quảng thông tin.

Giáo sư Nguyễn Lân Hùng chuyên gia Nông nghiệp cho biết, Tây nguyên hoàn toàn thuận lợi cho việc trồng cây macca, thậm chí các chuyên gia Úc sang đây còn đánh giá vùng đất này tốt hơn đất của họ.

Giáo sư Nguyễn Lân Hùng đánh giá, Tây Nguyên là vùng đất tiềm năng phát triển macca. Ảnh: Trần Hóa.

Giáo sư Nguyễn Lân Hùng đánh giá, Tây Nguyên là vùng đất tiềm năng phát triển macca. Ảnh: Trần Hóa.

“Đáng nhẽ tỉnh Đăk Lăk phải là địa phương phát triển mạnh về cây macca, nhưng bị chững lại thời gian dài”, ông Hùng, nói.

Do trước đây người dân chưa hiểu rõ về tính hiệu quả của cây macca. Bây giờ, thực tế có rất nhiều mô hình đi đầu đã chứng minh hiệu quả cây macca rất cao, đặc biệt ở Lâm Đồng. Nên hôm nay không cần bàn bạc cây macca tốt hay không, vấn đề bây giờ là tổ chức sản xuất như thế nào cho hiệu quả.

Trong hơn 10 năm qua, có rất nhiều đơn vị nhân giống “dởm”, bà con những người đi đầu gặp phải mất 6 – 8 năm chẳng ra quả, khiến người dân mất niềm tin, bỏ cuộc.

Vì lý do đó, Hiệp hội macca ra đời, mục đích uốn nắn các đơn vị sản xuất giống phải đảm bảo sản xuất giống tốt. Để giống tốt thì mắt ghép tốt (cây đầu dòng).

“Các đơn vị lớn như Vinamacca và Him Lam Macca, chúng tôi đã kiểm tra cây đầu dòng. Phải nhắc lại là đối với cây macca, vấn đề giống là yếu tố quyết định”, ông Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên ông cũng cho biết các cơ sở khác, Hiệp hội macca Việt Nam cũng đã cử người đến kiểm tra, nhưng không thể theo sát hết được. Vị chuyên gia này kêu gọi các đơn vị sản xuất giống phải có ý thức, giữ uy tín, giữ thương hiệu cho mình và đặc biệt đảm bảo cho người dân là quan trọng hàng đầu.

“Có nhiều nhà có cây tốt, sai quả, họ giữ cây để giới thiệu mọi người nhưng lấy giống lại của người khác” ông Hùng nói.

Ông Đinh Tất Thắng cho biết, vườn macca của gia đình cho thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm. Ảnh: Trần Hóa.

Ông Đinh Tất Thắng cho biết, vườn macca của gia đình cho thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm. Ảnh: Trần Hóa.

Theo kinh nghiệm 12 năm sản xuất cây giống macca của anh Nguyễn Hữu Hiển, để giống đạt hiệu quả cao, người ươm phải chọn đúng giống; cây sinh trưởng và phát triển tốt tại vườn; thời gian nuôi tại vườn ngắn. Cây con phải có bộ rễ khỏe, cây lớn nhanh sau 8 tháng đưa cây vào ghép có tiêu chuẩn đường kính gốc tối thiểu đạt 7 mm. Ngoài hạt giống thì hỗn hợp ruột bầu phải tươi xốp, dinh dưỡng cao.

Ngoài giống, các chuyên gia cũng nghiên cứu vấn đề sâu bệnh. Kết quả ban đầu đã tổng hợp được lượng sâu bệnh trên đại bộ phận cây macca Việt Nam và phương hướng phòng trừ bằng chất hữu cơ.

Về khía cạnh này, tiến sĩ Dương Nguyễn Hồng Nhung cho rằng, nền nông nghiệp của Việt Nam đang lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Hiện nay xu thế tiêu dùng đang hướng đến các sản phẩm hữu cơ đòi hỏi nông dân phải thay đổi. Đặc biệt đối với cây macca, các sản phẩm luôn có giá trị kinh tế cao.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học quốc gia TP HCM giới thiệu một loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học hữu cơ nano chiết xuất từ dầu nêm và các loại thảo dược phổ biến ở Việt Nam như sả, tràm trà, khuynh diệp…đây là những loài cây hầu như không bị sâu bệnh, côn trùng gây hại tấn công nhưng vẫn thu hút các côn trùng có lợi trong quá trình thụ phấn, sinh trưởng và phát triển của cây.

“Một giải pháp đột phá, hứa hẹn kết quả thử nghiệm ban đầu tích cực ở môi trường Việt Nam”, bà Nhung, cho hay.

Hiện nay, việc bán giống của Vinamacca và Him Lam Macca đều có hợp đồng bảo hành từ 3-4 năm bói quả, đồng thời ngân hàng Bưu điện Liên Việt có gói vay hỗ trợ trồng, chăm sóc cây macca cho người dân. Ngoài ra, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội macca Việt Nam cam kết thu mua và trợ giá đối với các thành viên hiệp hội (85% giá Australia). Sắp tới Công ty Him Lam sẽ xây dựng nhà máy chế biến macca. Trước mắt sẽ thuê dây chuyền của công ty macca tại Quảng Trị để chế biến.

Nguồn: Trần Hóa – Báo vnexpress.